Tháng Năm Dâng Hoa Đức Mẹ

30/04/2024

Hằng năm, cứ độ này, khi Nam bộ đang hừng hực nắng nóng chuyển mưa thì con dân nhà đạo mình cứ là nôn nao cả lên để vào tháng 5, Dâng Hoa Đức Mẹ. Lễ gần lễ xa, lễ ta lễ mình. Nó vừa là ký ức, vừa là hiện thực văn hóa – đức tin của người Công giáo Việt Nam.

Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà

Tháng hai, ngắm đứng, tháng Ba ra mùa.

Tháng Tư, tập trống, rước hoa…

Quanh năm, trong khi người Việt mình ở ngoài đời có đến 356 lễ hội (về truyền thống lịch sử, giáo dục đạo đức, vãn cảnh vui chơi) thì nhà đạo mình xem ra cũng chẳng kém cạnh gì. Nào, mùa Vọng, Giáng Sinh, Mùa Chay, Tuần Thánh, Phục Sinh, Chầu Lượt. Mùa nào thức nấy. Ở đây, chỉ xin nói về Lễ Hội Dâng Hoa Đức Mẹ, diễn ra rộn ràng suốt tháng 5.

Ngày xưa, trong bối cảnh làng quê – xứ đạo sau lũy tre xanh, lịch Phụng vụ và lịch đồng áng cứ nương vào nhau mà vận hành sau trước, rất đỗi nhuần nhị, hài hòa. Hình như trời đất cũng chiều lòng người và cỏ cây hoa trái tứ thời bát tiết vẫn cứ tươi tốt, sinh sôi. Câu ca “Tháng Tư, tập trống, rước hoa” là cách tính ngày tháng theo âm lịch, trùng với tháng 5 dương lịch. Làng xóm, dâu giáp xập xình kèn trống, rước sách, kiệu hoa. Sốt sắng, kính mến Đức Mẹ là một trong những tâm tình đạo hạnh đặc trưng của người Công giáo Việt Nam. Người ta bảo, quan hệ tình cảm máu thịt giữa mẹ con cũng là cái lẽ tự nhiên sẵn có trong đạo thờ Mẫu của tín ngưỡng dân gian (Mẹ sông, Mẹ núi, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ ngàn). Hai mệnh đề, hai lối nghĩ. Tôi chỉ mới để bụng, dự cảm, mà chưa dám quy nạp hoặc suy diễn điều gì. Chỉ biết rằng người bên đạo mình có rất nhiều cách bày tỏ và nhiều hình thức diễn dạt cái tâm tình ấy. Từ kinh nguyện đến ca vãn, từ các đoàn hội, nghi thức đến múa hát, rước sách, kiệu cờ. Lễ là phần nghi thức trang nghiêm thánh thiêng của Phụng tự và Hội là những biểu hiện của cầu thiêng kiêng lành. Cả hai tạo thành hai mặt, tĩnh và động đan xen nhau trong một tâm tình. Cái gì cũng thành bài bản, lớp lang. Đúng là một dân tộc nặng lòng với thi ca, diễn xướng và lễ hội.

Nhìn chung, bầu khí lễ hội dâng hoa suốt cả tháng Năm dương lịch vừa thánh thiêng, sốt sắng, vừa rộn rã nghĩa tình. Người người, nhà nhà, thôn trên xóm dưới thật sầm uất đông vui. Nhiều nơi, đồng bào bên lương và cả nhà chùa cũng tham gia bằng cách mở cửa cho người bên giáo vào hái hoa trong vườn chùa hoặc rủ nhau đến nhà thờ xem hội rất ư là cung kính, trang nghiêm. Thế rồi, cuối tháng giã hoa, hội vãn. Dâu giáp nào cũng có khen thưởng, chè cháo, xôi vò, cơm rượu, cỗ bàn, cứ y như vào mùa hội làng. Trộm nghĩ, trong chừng mực nào đó, Lễ Hội Dâng Hoa đã nuôi sống và làm giàu đức tin – lòng đạo của các cộng đoàn Công giáo bấy lâu. Sức sống của lễ hội Việt Nam là vậy.

Ngày nay, tất cả – con người, không gian, thời gian, đời sống – đã hoàn toàn khác xưa. Việc phục hồi nguyên trạng một Lễ Hội Dâng Hoa theo đúng bài bản phải được hiểu và được làm như thế nào để vừa phát huy được những tinh hoa của truyền thống, lại vừa đáp ứng được những nhu cầu cách tân trong sinh hoạt phụng tự của người Công giáo Việt Nam. Song, cải biên và cách tân không có nghĩa là xóa sổ một quá khứ, để lắp ráp vào đấy một ngẫu hứng tùy tiện, nghèo nàn hoặc – như thói quen đang phổ biến – một liên khúc chắp nối, nhạt nhẽo, lai căng, vô cảm, vô hồn. Thậm chí, Lễ Hội Dâng Hoa đã nhen nhúm trở thành một cuộc trình diễn về âm nhạc tạp kỹ, về y trang – cử điệu màu mè, về diện mạo của một tụ điểm sân khấu phù phiếm, xa lạ. Nói gì thì nói, Lễ Hội Dâng Hoa đã và mãi mãi sẽ là một phần trong di sản văn hóa nghệ thuật của nhà đạo, một cung cách diễn tả đức tin về lòng thơm thảo của con cái dâng lên Mẹ hiền.

Việc đi tìm và giới thiệu lại Lễ Hội Dâng Hoa, trong tình hình công nghiệp – hiện đại hóa ngày nay, xem ra có vẻ đi ngược dòng. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticano II, với trăn trở và thúc bách của Giáo hội để “Đức Tin trở thành Văn Hóa”, chúng tôi, trong điều kiện lẻ loi và hạn hẹp của mình, vẫn gối lên sóng mà bơi. Nhưng mong có được một quan tâm, một đầu tư cụ thể nào đó, để cái gia tài quý báu trên đây của tổ tiên không những không bị phủ bụi, lãng quên, mà còn được tiếp nối, gạn đục khơi trong bởi các đấng bậc bản quyền, những thế hệ kế thừa.

Những người gác cửa quá khứ, hồn ở đâu bây giờ?

 

Lê Đình Quốc Chính

Phó ngoại họ giáo Mông Triệu

Viết cho Tháng Hoa Đức Mẹ 2024

Tin cùng chuyên mục:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *