Phụng vụ Mùa Chay khởi đi từ Thứ Tư Lễ Tro, diễn ra liền mạch năm tuần lễ tiếp theo và kết thúc ngay trước Lễ Tiệc Ly, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Nói đến Mùa Chay, đơn giản là nói đến giữ chay, được hiểu là ăn chay, kiêng thịt. Nói rộng ra là hãm mình, ép xác, khổ chế, để thông công với con đường thập giá của Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian của sám hối, cầu nguyện, là mở lòng ra, chia sẻ tình thương yêu và cơm áo với những mảnh đời cơ nhỡ, cùng khổ ở xung quanh mình. Nói gọn gàng như tiên tri Isaia thì sống đạo Mùa Chay là “bẻ gãy xiềng xích bất công, phóng thích những người bị áp chế, nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, cho người cơ nhỡ tá túc, người trần truồng có manh áo che thân”.
Ở bên Tây, bên Mỹ, việc cử hành phụng vụ Mùa Chay diễn ra một cách kinh điển hoặc chuẩn mực thế nào không rõ. Chứ ở Việt Nam ta, đặc biệt ở các xứ đạo làng quê, đó thật sự mà thời điểm “vào mùa” và “ra mùa” của cao trào kinh sách lễ nhạc kéo dài cho đến đại lễ Phục Sinh. Rõ ràng là đã có một lễ hội Mùa Chay, một Tuần Đại Phúc. Thậm chí, dân gian nhà đạo mình còn đặt cho nó một cái tên rất dễ thương là Mùa Thương Khó. Chu kỳ này vừa vận hành với thời vụ con nước, tuần trăng của đồng áng, lại vừa ăn khớp nhịp nhàng với bước đi chộn rộn của những lễ hội dân gian sau Tết, ra Giêng ở ngoài đời. Đó cũng là lúc hoa xoan nở rợp một miền quê Bắc bộ. Cảm xúc nồng nàn khi thoảng thấy mùi thơm của hoa xoan đã được nhà thơ Nguyễn Bính diễn tả qua đoạn sau:
“Bữa ấy mưa Xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo, mùa Xuân đã cận ngày”
Lê Đình Quốc Chính.