Tấm Khăn Bị Lãng Quên Ngày Phục Sinh

31/03/2024

Khái quát về tấm khăn: 

 

Khăn Liệm Thành Turin là một mảnh vải lanh ố vàng, dài 4,41m, rộng 1,13m, in thân thể của một người đàn ông, chịu tổn thương thể lý bằng khổ hình thập giá. Hình trên khăn mờ nhạt, kích thước bằng người thật, có hai hình ảnh đối diện nhau, một trông từ phía trước với mặt, ngực, bụng, một được thấy từ phía sau với gáy, lưng. Điều đó chứng tỏ nạn nhân được nằm ngửa trên nửa tấm khăn, nửa tấm còn lại được phủ qua đầu để che phần trước của tử thi. 

Theo lưu truyền, tấm khăn đã bọc thân Đấng Cứu Thế sau khi Ngài được đưa ra khỏi thập giá. Theo dòng lịch sử, nó đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm, từ việc ẩn khuất mấy trăm năm, được tìm thấy và công bố công khai tại Pháp; từ việc cất giấu vào hầm tối ẩm mốc ở Edessa đến việc bị hoả hoạn tại Chambéry, từ việc chẳng ai quan tâm đến việc tranh giành nhau để sở hữu; từ việc bị xem là đồ giả mạo đến việc xác thực với nhiều điều kỳ bí. Những điều này khiến nó trở thành một trong những di vật thời danh nhất của thời đại và vẫn mang trong mình những điều bí ẩn mà càng khám phá, con người càng sửng sốt và lạ lùng. Hiện nay, tấm khăn liệm được lưu giữ tại Nguyện đường hoàng gia trong Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Tẩy Giả (John the Baptist), Turin, Ý. Vì vậy, nó được gọi là Tấm Khăn Liệm Thành Turin. 

 

Người ta đã thống kê được rằng, có rất nhiều cuộc khảo nghiệm tấm khăn này và chia chúng ra thành hai giai đoạn: Trước 1978 và sau 1978. Tại sao năm 1978 lại được lấy làm cột mốc như vậy? Suy nghĩ một tí, ta sẽ dễ dàng nhìn ra đó là năm đánh dấu triều đại thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu. Cũng chính Ngài là một trong những nhân tố quan trọng nhất của lịch sử Giáo hội cũng như nhiều yếu tố chính trị toàn cầu. Từ năm 1998-2000, Ngài đã cho trưng bày tấm khăn liệm. Vào ngày Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên 24/05/1998, Ngài đã đích thân đến Turin kính viếng. Hôm đó, Ngài đã nhấn mạnh: “Khăn liệm Turin giúp chúng ta hiểu hơn mầu nhiệm của tình yêu Con Thiên Chúa, gợi lên khả năng ghê gớm của con người có thể gây đau thương và chết chóc cho đồng loại, là một biểu tượng về nỗi khổ đau của người vô tội trong thời đại.” Ngài cũng xác định đây không phải là vấn đề của niềm tin nên Giáo hội không có chức năng chuyên môn để giải đáp những câu hỏi liên quan. Ngài cũng căn dặn các nhà khoa học đừng nghiên cứu dựa vào định kiến, nhưng theo sự tự do nội tâm theo hai mặt: Phương pháp khoa học và sự nhạy cảm nơi các tín hữu. 

 

Đức tin của người Kitô giáo đối với tấm khăn: 

 

Từ trước đến nay, Toà thánh vẫn chưa hề chính thức lên tiếng công nhận hay bác bỏ tính xác thực của nó. Việc tấm khăn liệm đã từng bọc hay không bọc xác Đức Giêsu không hề ảnh hưởng đến đức tin Kitô giáo hoặc đến nội dung Kinh Thánh. Một mặt, Giáo hội tôn trọng tình cảm của nhiều tín hữu dành cho chiếc khăn liệm, đồng thời cũng không muốn nó trở thành đối tượng của sự hiếu kỳ và xác tín sai lạc. Tính xác thực của nó cho đến hôm nay vẫn đang trong vòng tranh luận. Ủng hộ cũng có nhưng chống đối cũng không ít. Riêng kẻ viết bài này, với đức tin có thừa vẫn chủ quan xác tín rằng tấm khăn liệm thành Turin đích thực là tấm khăn đã bọc xác Đức Giêsu lịch sử năm xưa. Vì với lập trường vững chắc ấy, tôi tin Đức Giêsu đã đến với thế giới này như một con người lịch sử mà chính Ngài đã hiến thân để vâng phục qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Cho dù tấm khăn tẩm liệm Người không phải là niềm tin, có nghĩa là có hay không có nó, niềm tin của tín hữu chúng ta vẫn không hề bị ảnh hưởng. Thiên Chúa đã tin và yêu chúng ta qua ánh sáng của sự sống và cái chết trên đồi Golgotha. Người đã trả giá cho chính mình bằng cái chết Thập Giá, cái chết được xem là khủng khiếp nhất, nó gây đau đớn cho tội nhân, kéo dài nỗi thống khổ và cơn hấp hối đến cùng cực. Không ngôn từ và cách diễn giải nào có thể lột tả hết mọi sang chấn thể lý và tinh thần mà Người đã phải chịu đựng. Vì thế, tin vào nó là điều nhỏ nhặt và dễ dàng nhất chúng ta có thể làm cho Người. 

 

Ý Nghĩa chiếc khăn liệm Turin: 

 

– Nó là một nhân chứng lịch sử ghi lại mọi diễn biến cuộc khổ hình thập giá một cách chính xác và đầy đủ với những chi tiết cụ thể và tinh tế nhất. 

– Nó làm nên những điều huyền nhiệm khi không còn được xem là một vật nhơ nhớp, biểu hiện cho sự hư hoại của cái chết. 

– Nó là bức thông điệp gửi đến nhân loại như nhắc nhở về tình yêu vô bờ bến của Chúa. 

– Nó xác nhận Chúa Giêsu không phải là một huyền thoại mà là con người của lịch sử. 

– Nó cho chúng ta biết Thiên Chúa luôn hiện diện. Đằng sau đôi mắt nhắm nghiền đó là Đấng luôn hiện diện suốt chiều dài lịch sử, qua hơn hai mươi thế kỷ trong mỗi con người chúng ta. 

– Và nó vẫn là một câu hỏi và một thách đố cho sự khôn ngoan và trí thông minh của con người để tìm ra câu trả lời. 

 

Lê Đình Quốc Chính 

Phó ngoại họ giáo Mông Triệu 

Viết cho Chúa Nhật Phục Sinh 

Tin cùng chuyên mục:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *