Ngày 2/6/1979, trong cuộc hành trình đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng tới quê hương Ba Lan của thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị, chiếc máy bay phản lực trắng toát của hãng hàng không Alitalia hạ cánh xuống phi trường Warsaw như một thiên thạch. Tất cả những tiếng chuông nhà thờ ở Ba Lan đều gióng lên. Trên khắp đất nước, “màu cờ đỏ” dường như đã biến mất một cách kỳ lạ, chỉ còn lá cờ của quốc gia và của Tòa thánh. Trong chín ngày sau đó, dân chúng Ba Lan và đặc biệt giới trẻ sống trong một tâm trạng phấn khởi, xem như họ mục kích sự xuất hiện của một đấng cứu tinh. Cảm giác này rất choáng ngợp và không thể cưỡng lại được. Trong một thánh lễ, Ngài đã tuyên bố đanh thép đánh vào chủ nghĩa vô thần: “Đối với Ba Lan, Giáo hội đã đưa Chúa Giêsu tới, chiếc chìa khóa để hiểu được thực tiễn vĩ đại và cơ bản là con người… Không thể loại Chúa Giêsu khỏi lịch sử nhân loại ở bất kỳ nơi đâu trên Trái đất này, tại bất kỳ kinh tuyến hay vĩ tuyến nào của hành tinh. Loại trừ Chúa Giêsu khỏi lịch sử nhân loại là một tội ác chống lại loài người”. Chỉ với một câu: “Đừng sợ!”, Ngài đã thay đổi lịch sử chính trị toàn cầu…
Trước đó hai năm (1976) khi được Mật nghị Hồng Y bầu chọn làm Giáo hoàng, Hồng Y Karol Wojtyla đã phát biểu tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ những lời đầy tiên tri: “Chúng ta đang đối mặt với một trong những thách đố lớn nhất mà nhân loại từng phải trải qua. Theo tôi, cộng đồng rộng lớn là xã hội Mỹ, hay cộng đồng Kitô giáo nói chung, vẫn chưa thực sự ý thức được điều này. Chúng ta đang phải đối diện, phải chứng kiến sự đương cự, xung khắc, giữa một bên là Giáo hội với bên kia là phe chống đối, phe bài Giáo hội, giữa Tin Mừng và phản Tin Mừng, giữa Đức Kitô và Tên Phản Kitô. Cuộc đối đầu này nằm trong dự liệu của Thiên Chúa Quan Phòng. Bởi vậy, nó là dự định của Chúa, là cơn thử thách mà Giáo hội phải trải qua, và phải can đảm đối diện.”
Ngày 6/2/1989, trên đất nước Ba Lan nổ ra các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá cả; đại diện của chính phủ và các phe đối lập đã ngồi lại với nhau thương thuyết bàn tròn về tương lai của đất nước. Sự kết thúc của một kỷ nguyên đã tới. Hiệp định cốt lõi đạt được. Sự sụp đổ của Ba Lan đã gây ảnh hưởng làm lung lay khối Đông Âu trong những ngày cuối mùa đông, cho đến khi không còn khối nào tồn tại. Hiệu ứng domino cứ thế là ngã theo. Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư Liên Xô khi đó, đã yết kiến Đức Giáo hoàng tại Vatican lần đầu tiên vào ngày 1/2/1989. Ông tuyên bố: “Tôn giáo đã giúp cho cải tổ. Chúng ta đã từ bỏ đòi hỏi có sự độc quyền về chân lý. Ngay lập tức chúng ta sẽ không cho rằng những ai không đồng tình với chúng ta là kẻ thù”. Một trật tự thế giới mới đã diễn ra. Trước đó, trong hơn 60 năm, Giáo hội Công giáo và điện Kremlin đã đấu tranh với nhau dữ dội. Cuộc gặp đầu tiên đó tại Vatican đã hình tượng hóa phong phú cho một kỷ nguyên cuối. Phần còn lại là lịch sử…
CÂU CHUYỆN VỀ NỮ TÙ NHÂN DO THÁI
Tháng 1/1945, Liên Xô đánh chiếm thị trấn Czestochowa, miền nam Ba Lan, quân Đức thất thủ tháo chạy. Các trại lao động của quân Đức bị người dân dỡ bỏ. Một cô gái người Do Thái tên là Edith Zierer, 13 tuổi, là tù nhân trại lao động Đức được phóng thích. Cô đi tìm gia đình mình dù không biết rằng họ đã chết trong các trại lao động. Cô kiệt sức không thể đi được. Sau khi rời trại, Edith lên một toa tàu chở than. Cô xuống tại một ga xe lửa ở Jędrzejów. Hoàn toàn kiệt sức, cô ngã xuống đất. Cô nằm đó, lạnh cóng và đói, chỉ mặc một bộ đồng phục kẻ sọc của tù nhân mỏng manh đầy chấy rận. Không ai nhìn về phía cô và cô không thể bước đi được nữa. Nhưng có một người thanh niên mặc áo chùng thâm như một chủng sinh dừng lại để giúp cô. Cô nhớ lại: “Anh ta có vẻ là linh mục, rất đẹp trai, đôi mắt sáng và tràn đầy sức sống”. Nước mắt cô trào ra xúc động khi anh ta hỏi cô tên gì. Đã lâu rồi không có ai gọi cô bằng tên. Thời gian sống trong trại lao động, tất cả mọi người gọi cô bằng số hiệu tù nhân. Anh ta rời đi một lúc, rồi quay trở lại mang theo trà nóng, bánh mì và pho mát cho cô. Anh ta hứa rằng sẽ đưa cô đến Krakow để tìm cha mẹ. Anh ta động viên cô: “Cố gắng lên!”. Cô kiệt sức đến mức ngã xuống dưới đất. Thấy vậy, anh ta đã ẵm cô trên tay và chạy suốt ba cây số đến sân ga kịp chuyến tàu đi Krakow. Ở Krakow, cô được một người bà con nhận nuôi và sau đó may mắn được lựa chọn trong số 100 đứa trẻ mồ côi được nhà từ thiện nhận về. Cô cùng họ đến Zakopane rồi sang Tiệp Khắc và đến Pháp. Trong cuốn nhật ký của mình, cô đã ghi chép việc cô lầm tưởng người thanh niên đó là một linh mục, nhưng lúc đó anh chỉ là chủng sinh năm thứ 4, mãi đến tháng 11 năm sau anh ta mới được thụ phong linh mục. Đó chính là Karol Wojtyla, người sau này là Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người kế thừa ngai vàng thánh Phêrô, vị chủ chăn thứ 264 của Giáo hội hoàn vũ.
Trở lại câu chuyện năm 1945, khi Liên Xô chiếm đóng các trại tập trung, Edith được phóng thích và bắt đầu đi tìm gia đình mình. Cô tin rằng họ vẫn còn sống nhưng sự thật thì cha mẹ cô đã chết ở trại Dachau và em gái cô đã chết ở trại Auschwitz (nơi thánh Maximilian Kolbe đã tử đạo khi chết thay cho một tù nhân). Cô nhớ rất rõ tên Karol Wojtyla. Trong suốt cuộc đời, cô luôn tri ân người chủng sinh đã cứu sống cô. Cả hai đều đã không còn gia đình. Vào năm 1978, khi cô đọc tạp chí Paris Match đưa tin vị Hồng Y người Ba Lan có tên là Karol Wojtyła đã trở thành vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Roma, Edith Zierer nhận ra ngay vị ân nhân ngày xưa của mình nên đã rất vui mừng đến nỗi bật khóc. Thời điểm đó Edith đang sống ở Israel, cô rời Ba Lan năm 1951. Cô làm bác sĩ nha khoa, rồi kết hôn, làm mẹ, có cuộc sống êm ấm. Cô đã viết nhiều bức thư cho Đức Giáo hoàng cảm tạ ơn cứu mạng nhưng không được hồi âm vì có cả hàng triệu lá thư khắp thế giới gửi cho Giáo hoàng. Cuối cùng, vào năm 1997, cô nhận được một lá thư, trong đó Đức Giáo hoàng đã nhớ và mời cô đến Roma. Cô đi cùng với chồng đến. Họ gặp lại nhau vào năm 1998. Đức Thánh Cha đã nói với cô: “Con hãy nói to lên chút vì ta đã già rồi”. Ngài ban phúc lành cho Edith Zierer và nói: “Hãy trở lại đây nhé, con gái yêu của ta!” Năm 2000, trong chuyến hành hương đến Đất thánh Jerusalem, Đức Giáo hoàng đã đến thăm viện Yad Vashem và đặt vòng hoa tại đây. Edith Zierer gặp Đức Giáo hoàng thêm một lần nữa và nói trước đám đông: “Ai cứu một mạng người là cứu cả thế giới”. Đây là phương châm được khắc trên huy chương vinh danh những người đã cứu mạng những người Do Thái trong giai đoạn thảm sát của Đức quốc xã.
Ngày 13/5/1981, đúng ngày kỷ niệm Đức Mẹ Hiện Ra Tại Fatima, Đức Giáo hoàng bị ám sát bởi tay sát thủ Mehmet Ali Agca. Vụ ám sát này được giám đốc CIA, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, Robert Gates coi như là một âm mưu được bảo vệ và bao che bởi cơ quan tình báo Bulgaria, một tổ chức lệ thuộc vào cơ quan KGB của Liên Xô. Đức Hồng Y Achille Silvestrini, thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Toà thánh cũng xác nhận: “Nếu âm mưu ám sát Đức Giáo hoàng thành công, thì đó sẽ là tấm bia mộ cho Ba Lan, và cho những người đang đối đầu với sự kiểm soát của hệ thống Xô Viết”. Nhưng Đức Giáo hoàng lại tin rằng số phận của Ngài được bảo vệ nhờ phép lạ của Đức Mẹ Fatima sau khi thoát chết bởi những phát đạn đó. Ngài đã gửi đến Liên Xô một tín hiệu tha thứ: “Một người nổ súng nhưng một người khác lại hướng dẫn quỹ đạo viên đạn”. Sự kỳ diệu và độ lượng thể hiện nơi Ngài là hình ảnh phản chiếu rõ nhất của việc Chúa Giêsu đã cầu xin Đức Chúa Cha tha tội cho những kẻ đã đóng đinh chính mình vào thập giá. Ngài đã vào tù thăm tên sát thủ ám sát mình và tha thứ cho hắn ta. Ngài đã đặt viên đạn mình bị bắn lên vương miện Đức Mẹ Fatima đúng một năm sau ngày Ngài bị ám sát.
Trở lại với cô gái Israel xưa kia. Sau khi gặp lại cố nhân, Edith Zierer vẫn tiếp tục viết thư cho Đức Giáo hoàng và Ngài vẫn hồi âm. Tuy nhiên, họ không còn dịp gặp lại nhau nữa. Năm 2005, Đức Giáo hoàng băng hà, cô sau đó cũng qua đời vào năm 2014. Chắc chắn họ đã gặp lại nhau trên Nước Trời.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng vĩ đại nhất thế kỷ XX. Ngài là nhân tố chính quyết định cho sự sụp đổ của tuyến phòng thủ Warsaw, bức tường Berlin và sự tan rã của liên bang Xô Viết. Ngài đã ban hành thêm thông điệp Mầu Nhiệm IV Năm Sự Sáng vào chuỗi kinh Mân Côi vào năm 2002. Ngài được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI phong Đấng Đáng kính vào ngày 19/12/2009 và Chân phước vào ngày 1/5/2011. Đương kim Giáo hoàng Phanxicô đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 27/4/2014 cùng với Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.
22/10 – thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Giuse Lê Đình Quốc Chính
Phó ngoại họ giáo Mông Tri