Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn

10/12/2024

Ngày 9/9/1659, qua Tông sắc Super Cathedram, Đức Giáo hoàng Alexandre VII đã chính thức thành lập Giáo hội Việt Nam với hai giáo phận tông toà đầu tiên là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Năm 1844, Đức Giáo hoàng Gregorio XVI quyết định chia giáo phận Đàng Trong thành giáo phận Tây Đàng Trong (Tổng giáo phận Sài Gòn ngày nay) giao cho Đức Cha Dominique Lefèbvre và giáo phận Đông Đàng Trong (giáo phận Qui Nhơn ngày nay) giao cho Đức Cha Cuénot Thể cai quản. Vào thời kỳ này, Giáo hội Việt Nam đang trải qua giai đoạn bị bách hại đẫm máu (1820-1884) với các triều đại vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và hai phong trào Văn Thân – Cần Vương. Từ năm 1859, giáo phận Tây Đàng Trong sớm bước vào thời kỳ phát triển thuận lợi. Nhiều cơ sở Giáo hội sớm được thiết lập như: Dòng Thánh Phaolô (1860), Đan viện Cát Minh Sài Gòn (1861), Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1863) và Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn hiện nay cũng bắt đầu được xây dựng (1877).  

Vào thời điểm nhận nhiệm vụ Giám mục tiên khởi giáo phận, Đức Cha Dominique gặp rất nhiều khó khăn với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Ngài phải đặt trụ sở tại Cái Nhum (giáo phận Vĩnh Long ngày nay). Năm 1859, khi tình hình trở nên sáng sủa, Ngài mới đến Sài Gòn cùng với việc xây dựng hai ngôi nhà thờ đầu tiên; một là trên nền đất của một ngôi chùa bị bỏ hoang và hai là bên bờ Kênh Lớn. Để chuẩn bị cho một ngôi nhà thờ kiên cố, bền vững theo dòng thời gian, xứng tầm là nhà thờ trung tâm của vùng đất đang phát triển mạnh mẽ, tháng 8/1876, thống đốc Nam Kỳ Guy Victor Auguste Duperré đã tổ chức một cuộc thi tuyển thiết kế xây dựng. Với bản thiết kế phối hợp hài hoà hai kiểu kiến trúc Roman và Gothic, kiến trúc sư Bourad đã được chọn và cũng trúng thầu công trình này. Năm 1877, Đức Cha Isidore Colombert đã cử hành nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên. Với khoảng hai năm rưỡi thi công cùng những vật tư xây dựng như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều được mang từ Pháp sang, vào đúng dịp lễ Phục Sinh 11/4/1880, thánh lễ làm phép và khánh thành nhà thờ đã được cử hành long trọng với sự tham dự của thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers. 

Trải qua nhiều biến cố thời gian, thay đổi (xin không kể chi tiết vì với giới hạn một bài viết là không thể), ngày 9/12/1959, Đức Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền đã chủ sự thánh lễ Cung Hiến Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn. Trong nghi thức hôm đó, hài cốt các chân phước tử đạo Việt Nam (được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị năm 1988) được đặt vào lòng bàn thờ. Ngày 24/11/1960 (ngày này sau này được đưa vào lịch Phụng vụ là ngày lễ trọng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam), thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành Tông sắc Venerabilium Nostrorum, thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Qua đó chuyển đổi Giáo hội nước ta từ quy chế tông toà sang chính toà với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, khi đó đang là Giám mục tông toà giáo phận Cần Thơ, được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục chính toà Tổng Giáo phận Sài Gòn vào đúng ngày lễ Phục Sinh 2/4/1961. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn chính thức trở thành nhà thờ chính toà. Ngày 13/11/1962, qua Sắc chỉ Spectabile Monumentum, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nâng nhà thờ chính toà Đức Bà Sài Gòn lên hàng Vương Cung Thánh Đường với tên gọi chính thức là Vương Cung Thánh Đường Chính Toà Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. 

Kỷ niệm 65 năm Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn.  

Ngày lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 9/12/2024 

 

Giuse Lê Đình Quốc Chính 

Phó ngoại họ giáo Mông Triệu 

Tin cùng chuyên mục:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *