Thân mến tặng các đan sĩ chiêm niệm
Thiên An, Huế
✍Francis Assisi Lê Đình Bảng
Đường lên, lên đỉnh Thiên An
Dốc trưa cô tịch, đầy ngàn quạnh không
Giữa trời giữa đất mênh mông
Giữa thiêng liêng, giũ bụi hồng nhẹ tênh
Ai về dưới phố lênh đênh
Có mang theo nỗi gập ghềnh, đắng cay
Ta thầm gửi chút hương bay
Tiễn nhau, khói nhạt non đầy tiếng ve
Ơi người đan sĩ trong kia
Xanh xanh rừng lục nghìn khuya dặm dài
Ta còn nặng nợ hai vai
Còn u mê với trần ai nhọc nhằn
Người về đỉnh dốc Thiên An
Ngựa ta dong ruổi mấy ngàn phương xa
Cách nhau một dải ngân hà
Người vô kinh kệ, ta đà vó câu
Mái ngoài dặm liễu canh thâu
Gió rung bờm ngựa, vai cầu bặt tăm
Gửi người nặng gánh trân cam
Mai, ta theo gió về Nam một mình
Đợi người trăm chuyến phiêu linh
Để nghe thấu suốt lời kinh nguyện cầu.
Thiên An, 4.2000
(Trích trong tập thơ Lời Tự Tình Của Bến Trần Gian)
Năm 589, đan viện Biển Đức đầu tiên đã có ở Roma. Năm 590, đan sĩ Biển Đức đầu tiên được bầu làm Giáo hoàng. Đó chính là thánh Gregory Cả. Ngay trong thế kỷ VI, các đan sĩ Biển Đức đã đến truyền giáo và thành lập nhiều đan viện tại nước Anh. Thế kỷ VII, tu luật của thánh Bênêđictô (Biển Đức) đã được áp dụng trong các đan viện tại Pháp.
Tại Việt Nam, ngày 10/11/1936, linh mục Maur Massé, đan sĩ thuộc đan viện La Pierre Qui Vivre, Pháp, đã đến Việt Nam và lập đan viện đầu tiên tại Đà Lạt. Tuy nhiên, đan viện này chỉ tồn tại cho đến năm 1954. Ngày 10/6/1940, hai đan sĩ cũng của đan viện trên là cha Dom.Romain Guillaume và cha Dom.Corentin đã đến thành lập đan viện Thiên An, Huế với châm ngôn của thánh tổ phụ Biển Đức là “Ora et Labora – Cầu Nguyện và Lao Động.” Sau đó, các đan sĩ của đan viện Thiên An tiếp tục thành lập thêm 3 đan viện khác nữa. Tất cả đều thuộc tỉnh dòng Pháp. Vào năm 1988, các đan viện ở Việt Nam đã tách khỏi tỉnh dòng Pháp và lập thành tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, với Bề trên Giám tỉnh tiên khởi là cha Tađêô Phạm Quang Điện.
11/7 – thánh Bênêđictô – viện phụ, Đấng sáng lập dòng Biển Đức. Lễ nhớ.
Lê Đình Quốc Chính
Phó ngoại họ giáo Mông Triệu