Phụng vụ Mùa Chay khởi đi từ Thứ Tư Lễ Tro, diễn ra liền mạch 5 tuần lễ tiếp theo và kết thúc ngay trước thánh lễ Tiệc Ly, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Bàn thờ không trưng hoa. Màn che ảnh tượng và lễ phục của chủ tế mang màu tím than. Cộng đoàn không xướng – đọc kinh Vinh Danh và Halleluia trong phần tung hô Tin Mừng. Toàn cảnh phụng vụ dường như được dọn dẹp đơn sơ, trống vắng để đợi chờ ơn phước cứu độ qua biến cố đau thương là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
Nói đến Mùa Chay, đơn giản là nói đến giữ chay, được hiểu là “ăn chay kiêng thịt”. Nói rộng ra là hãm mình, ép xác, khổ chế, để thông công với “con đường thập giá” của Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian của sám hối – cầu nguyện, là mở lòng ra, chia sẻ tình thương yêu và cơm áo với những mảnh đời cơ nhỡ, cùng khổ ở xung quanh mình. Nói gọn gàng như tiên tri Isaia thì sống đạo Mùa Chay là “Bẻ gãy xiềng xích bất công, phóng thích những người bị áp chế, nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, cho người cơ nhỡ tá túc, người trần truồng có manh áo che thân”.
Đọc kỹ những lời hướng dẫn phụng vụ trong lịch Công giáo, rõ ràng không có chỗ cho NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU như ta thường thấy, nghe, đọc hoặc ngâm vãn xưa nay. Có chăng, chỉ là bản văn cố định, chính thống, là Lời Chúa, là Tin Mừng viết về “Cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô” mà thuật ngữ của phụng vụ quen gọi là “Bài Thương Khó”. Ở bên Tây, bên Mỹ, việc cử hành phụng vụ Mùa Chay diễn ra một cách kinh điển hoặc chuẩn mực thế nào không rõ. Chứ ở Việt Nam ta – đặc biệt ở các nhà thờ xứ đạo làng quê – Mùa Chay và Tuần Thánh thực sự là một thời điểm “vào mùa” của cao trào về kinh sách lễ nhạc, để rồi “ra mùa” một cách thư thả, thong dong ở đại lễ Phục Sinh. Rõ ràng là đã có một lễ hội Mùa Chay Cả, một Tuần Đại Phúc. Thậm chí, dân gian nhà đạo mình còn đặt cho nó một cái tên rất dễ thương là “Mùa Thương Khó”. Chu kỳ này vừa vận hành với thời vụ con nước, tuần trăng của đồng áng, lại vừa ăn khớp nhịp nhàng với bước đi chộn rộn của những lễ hội dân gian sau tết, ra Giêng ở ngoài đời:
“Tháng Giêng ăn tết ở nhà
Tháng Hai ngắm đứng, Tháng Ba ra mùa…”
Đúng là cái cảm xúc nồng nàn khi thoảng thấy mùi hương thơm của hoa xoan trong thơ Nguyễn Bính:
“Bữa ấy mưa Xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo, mùa Xuân đã cận ngày”.
Người ta nghỉ ngơi việc mùa màng, việc bán buôn để hòa mình vào sinh đạo hoạt đạo đức ở nhà thờ, nhà thánh. Nào, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ (Ngắm đứng, ngắm rằng, ngắm nhân sao, ngắm dấu đanh, ngắm nhân tài, ngắm lễ đèn). Nào, rước lá, rửa chân, tiệc chiên, diễn tuồng thương khó. Nào, kiệu bắt, dâng hạt, đóng đanh, tháo đanh, táng xác, than mồ, hôn chân… Về hình thức, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ là một kịch bản có chương hồi để xướng ngâm theo cung điệu bi thương (lâm khốc, biệt hành) của ca vãn trong dân nhạc cổ truyền Việt Nam. Về nội dung, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ là kinh nguyện được biên soạn trên cơ sở các bài đọc về “Cuộc Thương Khó của Đức Chúa Giêsu Kitô”, cảm hứng từ nguồn mạch Thánh Kinh.
Có đọc lại những trang bút ký của giáo sĩ Đắc Lộ mới thấy rõ hoàn cảnh phát sinh, thời gian xuất hiện và cả những chỉ dẫn rất bài bản, nghiêm túc cho việc cử hành nghi thức NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯONG KHÓ: “Năm 1644, ở Hội An, nghi lễ Tuần Thánh được cử hành, trong đó giáo hữu hát những lời than thở bằng tiếng bản quốc rất thảm thiết về sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu”. Và ở một chỗ khác, giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật rõ ràng hơn: “Chúng tôi không cử hành nghi thức kinh đêm trong tuần thánh, vì chúng tôi có ít người và giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì, vì họ không hiểu biết sách (La tinh). Để họ khỏi bị thiệt thòi, chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong muời lăm sự thương khó. Sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng trên giá kèo theo tục lệ trong Giáo Hội Rôma”.
Như vậy, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ, trước sau vẫn là một bản kinh văn cổ xưa, một cung cách, một nghi thức cử hành Mầu Nhiệm Thương Khó có giá trị phụng tự, như một vận dụng sáng tạo bước đầu để giúp tín hữu Việt Nam tiếp cận, thông dự một phần vào đời sống thiêng liêng của phụng vụ Mùa Chay của Hội thánh. Nó là một nội dung và hình thức thuộc phạm trù của “lòng đạo đức dân gian Việt Nam”, xuất phát từ nền văn hóa bản địa mà Giáo Hội đã và đang ra sức cổ vũ để giữ ngọc gìn vàng. Công bằng mà nói, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ vẫn còn đó một số giá trị nhất định, không những về lịch sử, về ngôn ngữ, mà còn cả về nghệ thuật diễn cảm đậm đà tính dân tộc Việt Nam nữa. Mấy trăm năm qua, bản kinh văn cổ xưa và cung cách ấy vẫn được các thế hệ tiếp thu, tuân thủ hoặc sáng tạo thêm, tùy điều kiện hoàn cảnh của từng vùng miền địa phuơng. Thực tế là ngày nay, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ vẫn diễn ra đều đặn và sốt sắng tại hầu hết các cộng đoàn, nhà thờ, xứ đạo, dòng tu vào những chiều tối thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu trong các tuần Chay, đặc biệt chiều Thứ Sáu Tuần Thánh để long trọng tưởng niệm cuộc tử nạn thương khó của Đức Giêsu Kitô.
Lê Đình Quốc Chính
Phó ngoại họ giáo Mông Triệu
Viết cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh