Nhà Lý thế kỷ XI đến nhà Nguyễn thế kỷ XIX, suốt gần một thiên niên kỷ ấy, đều lo mở mang và tu sửa con đường thiên lý huyết mạch chạy dài từ kinh đô đến các địa đầu của đất nước, đi qua các trung tâm chính trị và kinh tế. Cho đến khi người Pháp nổ súng thần công vào cửa khẩu Đà Nẵng năm 1858, khởi đầu cuộc viễn chinh kéo dài hàng trăm năm, dẫn đến nhiễu nhương và vong quốc, người ta thấy rõ phong cách hoàn toàn khác nhau của hai miền đất nước. Nếu như Hà thành – Bắc bộ vẫn còn tương đối yên ả, bình chân như vại để ung dung ngâm nga văn chương thi phú, thì Saigon -Nam kỳ lục tỉnh lại đang hồ hởi nhập cuộc với báo chí cùng với những phương tiện kỹ thuật (thư tín, dây thép), giao thông (đường xá, bến cảng, xe cộ…) du nhập từ phương Tây. Từ khi cảng Saigon được mở năm 1860 đến ngày khánh thành tuyến đường hỏa xa Đông Dương năm 1936, nhiều sự kiện đã diễn ra, dọn đường cho sự khai sinh của báo chí Việt Nam. Súng đạn, giấy bút, chữ nghĩa, chiến trường, quan trường, thương trường, khống chế, thỏa hiệp, bảo hộ đều nằm trong kế đồ khai hoá bằng con đường văn hoá của người Pháp.
Ngày 15/04/1865, Gia Định báo ra đời. Một tờ báo tiếng Việt với chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự Latinh đầu tiên xuất hiện. Lịch sử báo chí Việt Nam mở màn. Nó tác động sâu xa đến mọi sinh hoạt, thay đổi mọi lĩnh vực đời sống văn hoá từ tư tưởng, học thuật đến kinh tế, xã hội. Nho học từng bước suy tàn. Tây học và quốc học thừa thắng xông lên kéo theo sự du nhập, phát triển của kỹ thuật, tổ chức, cơ sở (in ấn, phát hành, nghề báo). Sĩ phu ta bừng tỉnh, vứt bút lông đi, cầm bút sắt, lao vào mặt trận vận hội mới. Nhưng đến khi Pétrus Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm vai trò giám đốc và Huình Tịnh Paulus Của làm chủ bút thì Gia Định báo mới chuyển sang một bước ngoặt mới, có chủ đích rõ ràng trong việc cổ động cho tân học, phát triển chữ quốc ngữ rộng rãi trong quần chúng với phương châm “viết như nói theo lối An Nam ròng, diễn câu nói trơn tuột ở cửa miệng bình dân”. Có thể nói những nhà văn như Pétrus Ký và Paulus Của cũng chính là những nhà báo đầu tiên, với lối viết văn xuôi đăng trên báo này đã giữ một vai trò trọng yếu trong nền văn học cận đại Việt Nam. Việc ấn hành báo chí trong giai đoạn này là một phát minh mới mẻ, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phổ biến nền văn hoá mới.
Pétrus Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học, nhà văn, sử gia, dịch thuật với trí tuệ uyên bác, năng lực cảm nhận và sáng tạo cao, cường độ làm việc nhanh và đều đặn. Dung lượng tác phẩm của ông rất đồ sộ gồm nhiều thể loại, nhiều ngành khoa học khiến chúng ta phải kinh ngạc. Là nhà ngôn ngữ học và cũng là nhà báo đầu tiên của Việt Nam, ông rất coi trọng, tin tưởng và phấn đấu cho tiếng Việt, đưa nó thành một ngôn ngữ văn hoá phổ biến, mang đậm bản sắc dân tộc. Nhưng đáng nói nhất vẫn là công lao to lớn, vai trò quan trọng trong lịch sử báo chí nước nhà. Ông đã đặt nền móng và dốc sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, phong phú, chặt chẽ và gần gũi, hoà đồng với bạn đọc. Chính trong Kỷ Yếu Báo Chí Việt Nam Trước Cách Mạng Tháng Tám, xuất bản năm 1985, Hội Nhà văn Việt Nam đã đánh giá: “Gia Định báo là tờ báo tiếng Việt đầu tiên, ra đời ở Saigon – Gia Định đồng thời là những tờ báo đầu tiền xuất bản ở nước ta… Về văn học thì những tin và bài đăng trên các báo ấy không những hình thành thể loại văn học báo chí đầu tiên nước ta mà đồng thời có thể nói là hình thành thể loại văn xuôi tiếng Việt đầu tiên trên giấy trắng mực đen in rõ ràng và đều đặn.”
Có quá lời khi cho rằng đất Bắc là phong thổ cơ ngơi của giới nho nhã, văn chương thi phú; còn phương Nam lại là xứ sở đã khai sinh ra dòng văn học báo chí Việt Nam? Thật vậy, chính ngôn ngữ, văn học và sinh hoạt báo chí buổi ấy như một cơn lốc ập tới, làm náo động cả một quá khứ vốn êm ả đến băng giá đã có nề nếp hàng nghìn năm. Nó đã cổ vũ phong trào “cựu tòng tân – bỏ cũ theo mới”, mở nẻo, khai thông một con đường về phía trước. Ngay cả các cụ Tú Xương, Tản Đà cũng đứng ngồi không yên mà bỏ nghiên mực xuống. Cho dù ngày nay, báo chí các loại đẹp và nhiều đến nỗi chẳng ai có đủ thời gian và tiền bạc để mà mua và đọc tất cả. Nhưng điều ta mang ơn thuở ban đầu của báo chí ở Nam bộ – cho dù lúc ấy lời lẽ chưa gọt giũa, chất lượng thông tin và trình độ tay nghề còn nhiều hạn chế, thô sơ – chính là cái bao trùm lên tất cả để bàn giao lại cho hôm nay. Bước đi chập chững ban đầu của làng báo Nam bộ đã là cánh cửa mở ra cho một vùng đất mà báo chí nước ta đang sống, phát triển rực rỡ, phong phú và đa dạng như ngày nay.
Buổi hừng đông đi vỡ đất hoang sơ ấy, mấy ai nhớ lưỡi cày khai phá của ân nhân? 21/6 là ngày gì không quan trọng. Quan trọng là đừng vong ơn!
Chiều mưa Saigon 21/6/2024
Lê Đình Quốc Chính
Phó ngoại họ giáo Mông Triệu