Thập giá là một dụng cụ để xử tử phạm nhân, làm bằng gỗ tùng rất nặng. Cây dọc 4 thước rưỡi, cây ngang 2 thước rưỡi, nặng 100 ký. Vác kéo lê thì giảm sức nặng đi 30 ký. Trước hết, phạm nhân bị đánh đòn cách tàn nhẫn, rồi cả tay và chân đều bị những mũi đinh to xuyên qua và dính vào thanh gỗ. Bấy giờ thập giá được dựng lên. Máu ra nhiều, nhiệt độ trong người gia tăng thành một cơn sốt rất nặng, phạm nhân bị kiệt sức, lưỡi bị khô cứng, các mạch máu sưng lên, các đường gân căng thẳng, toàn thân nhức nhối vô cùng. Thường các phạm nhân bị thống khổ như vậy đôi ba ngày, hoặc một tuần rồi mới chết. Như vậy, năm 33 sau Công nguyên, Chúa Giêsu đã bị sức nặng 70 ký đè trên thân xác yếu ớt vì đòn vọt và vác khệ nệ trên con đường dài 700 thước. Thập giá mang xác Chúa bị đóng đinh và chịu chết cho nhân loại nên được gọi là thánh giá. Trong thư I gửi tín hữu Côrintô, câu 18-25, thánh Phaolô đã viết: “Người Do Thái đòi phép lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh – Đấng người Do Thái cho là gương xấu, còn dân ngoại cho là điên rồ, nhưng đối với những người Do Thái và Hy Lạp đã được Chúa gọi, thì Đức Kitô lại là sức mạnh và sự khôn sáng của Thiên Chúa. Vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn khôn sáng hơn sự khôn sáng của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn lực lượng hơn sức mạnh của loài người”.
Ngay từ thời Giáo hội tiên khởi vào thế kỷ đầu tiên thời Tân Ước, vì biết lòng mến mộ thánh giá gia tăng lòng đạo đức, dẫn đến việc mở mang Kitô giáo, các vua chúa – từ các hoàng đế Roma đến các quan quyền tại Trung Đông, đã tìm đủ mọi cách quyết xóa bỏ niềm tin vào thánh giá. Đỉnh điểm là khi vua Adriano lên ngôi hoàng đế Roma (117-138) đã ra lệnh bách hại, đàn áp các Kitô hữu và triệt hạ, phá hủy các di tích về Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, xây nhiều đền thờ thần kính trên mộ thánh và tìm mọi cách chôn giấu thánh giá Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Mãi đến thế kỷ IV, vua Constantino lên ngôi (306-337), đạo Chúa mới được tự do sau khi vua đánh bại được quân xâm lăng Maxentio nhờ phép lạ thánh giá. Sau đó, ông và thân mẫu là Helena (sau này là thánh) đã trở lại đạo. Với lòng kính mến Chúa Giêsu Cứu Thế và nhiệt thành sùng mộ thánh giá, năm 326, dù đã 80 tuổi, thánh Helena cộng tác chặt chẽ với Đức Giám mục thành Jerusalem, để cho tiến hành tìm các di tích sau hết của cuộc đời Chúa Cứu Thế. Bà cho đào bới về khảo cổ tại chân núi Calvario (đồi Căn-Vê) và đã lần lượt tìm được các di tích về cuộc khổ nạn, chịu chết và mai táng Chúa Giêsu trong mộ. Thành công lớn lao nhất của bà là tìm được ba cây thập giá: Một của Đức Kitô và hai của hai tên trộm cùng bị đóng đinh trên Núi Sọ.
Thập giá thật mà Chúa bị treo lên bị cất giấu nhiều lần rồi lại tìm được, bị chia thành nhiều mảnh và phân tán rải rác. Thật khó mà dõi theo đường đi chính xác của thánh tích quý giá này kể từ khi được thánh Helena phát hiện trong chuyến hành hương đến Đất Thánh năm 326. Trong thời điểm của cuộc hành hương Giáo hội đang phát triển rất mạnh, người Kitô hữu sau một thời gian dài bị bách hại, đã được tự do thực hành đức tin và đi tìm lại những thánh tích được tôn kính. Kể từ lần xuất hiện đầu tiên ấy, đến lần biến mất thứ hai trong tay người Ba Tư ở thế kỷ VII, lần thứ ba ở thế kỷ XI và lần thứ tư ở thế kỷ XII trong tay quân Hồi giáo.
Mặc dù lòng mến mộ và tôn kính thánh giá đã có từ lâu đời trong Kitô Giáo nhưng đến thế kỷ IV trở đi mới có ngày lễ dành để tôn vinh. Lịch sử đã chứng minh khi khi tìm được di tích thánh giá vào năm 326, thánh Helena cho xây cất hai đền thờ, một tại núi Calvario và một tại mộ thánh ở thánh địa. Lễ khánh thành và cung hiến hai đền thờ này được tổ chức trọng thể tại Jerusalem vào hai ngày 13 và 14/9. Năm 335, ngày 14 tháng 9 cũng mừng kính ngày tìm được thánh giá thực. Thánh Giáo hoàng Gregorio Cả (triều đại 590-604) đã đưa sự tôn kính thánh giá vào Phụng vụ Roma như nghi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh ngày nay. Sau cùng, lễ Suy Tôn Thánh Giá đã được thiết lập tại Jerusalem vào ngày 14/9/629 với chứng tích: Sau khi đánh bại quân Ba Tư và lên ngôi hoàng đế, vua Helacrius I (610-641) năm 629 đã kiệu thánh giá từ Constantino về và rước khải hoàn đến Jerusalem sau khi đã bị quân xâm lược cướp đi, ông đã muốn vác thánh giá vào đền thờ để tạ ơn Chúa. Ông mặc vương phục và đội mũ hoàng đế. Nhưng khi vác thánh giá lên vai, ông thấy quá nặng. Tức thì, Đức Zacharias, giáo chủ Jerusalem, liền nói với vua: “Xin hoàng đế thận trọng vì với mũ miện và y phục vương quyền mà ngài đang mặc, ngài không hợp để vác thập giá giống như thân phận khó nghèo, khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô.” Nhà vua nghe theo lời, bỏ hết mũ miện, vương phục. Tức thì thập giá trở nên nhẹ nhàng và nhà vua đã vác vào đền thờ. Với Thập giá Thánh, Thiên Chúa còn ban nhiều phép lạ, trong số có một người chết được sống lại; bốn người bất toại được lành bệnh; mười người phong cùi được trở nên sạch sẽ, bình phục; mười lăm người mù được sáng mắt; vô số người bị quỷ ám được giải thoát. Từ đó, tại Jerusalem, Đức Giám mục đã cử hành trọng thể lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14/9/629, mà sau này trở thành lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9 ngày nay.
Tay để trên trán NHÂN DANH CHA. Tay để ở ngực VÀ CON. Tay để ở hai vai VÀ THÁNH THẦN. Chắp hai tay AMEN. Cúi đầu tôn kính, ôm lấy vào lòng và vác thánh giá Chúa.
Ngày lễ kính Suy Tôn Thánh Giá 14/9/2024
Giuse Lê Đình Quốc Chính
Phó ngoại họ giáo Mông Triệu